Tuần trăng mật không trọn vẹn

Thứ hai - 12/11/2012 04:29

 Tuần trăng mật không trọn vẹn

(Dân trí) - Mặc dù giành chiến thắng vang dội trước đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần hai, nhưng tuần "trăng mật" của Tổng thống Barack Obama không trọn vẹn khi nội các của ông đối mặt với sự thiếu vắng của tới 4 gương mặt cấp cao.

Cả Ngoại truởng Hillary và ông Petraeus đều rời bỏ Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ II

Cả Ngoại truởng Hillary và ông Petraeus đều rời bỏ Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ II.

Danh sách những việc cần giải quyết của Tổng thống tái đắc cử Barack Obama lại dài thêm sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus tuyên bố từ chức vì có quan hệ ngoại tình.

Với quyết định này của Tướng Patreous, nội các của ông Obama sẽ bị khuyết thêm một vị trí cấp cao nữa, sau khi nhiều tin tức cho biết Tổng thống Obama sẽ mất đi một số bộ trưởng quan trọng, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Ông Petraeus - cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq và lực lượng liên quân tại Afghanistan - chính thức nhậm chức Giám đốc CIA tháng 9/2011, sau khi gây dựng được uy tín khá lớn cả trong và ngoài quân đội.

Tuy nhiên gần đây, uy tín của ông đã bị suy giảm đáng kể khi CIA bị dư luận chỉ trích nặng nề vì phản ứng yếu kém trước cuộc tấn công khủng bố Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya hôm 11/9, khiến Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao thiệt mạng. Cuối tuần qua, uy tín ấy lại một lần nữa bị "đánh gục" khi Tướng Patreous phải “muối mặt” tuyên bố từ chức do lộ chuyện “chả, nem”.

"Sau 37 năm kết hôn, tôi đã hành động thật tồi tệ khi có quan hệ ngoài hôn nhân. Đây là hành động không thể tha thứ được về mặt đạo đức đối với một người chồng, cũng như một nhà lãnh đạo cấp cao trong quân đội như tôi", ông Patreous nói rõ trong thông báo gửi các nhân viên dưới quyền tại CIA.

Tuyên bố từ chức đầy bất ngờ của ông Patreous không chỉ gây ngạc nhiên trong dư luận Hoa Kỳ, mà còn trong cộng đồng tình báo và quân đội.

“Không ai có thể nghĩ rằng một con người nổi tiếng kỷ luật và rất chú trọng uy tín cá nhân như ông lại có thể ngã ngựa đơn giản đến thế”, một đồng nghiệp của ông nói.

Theo đánh giá chung của những người từng làm việc “dưới trướng”, ông Patreous được cho là một nhà chỉ huy quân sự mẫu mực, tài ba. Thậm chí có người còn dự kiến ông sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống sau 4 năm nữa.

Tại thời điểm này, dư luận nhìn chung mới chỉ quan tâm đến lý do ông Patreous từ chức. Người cho rằng ông ra đi vì mất uy tín sau vụ tấn công khủng bố ở Benghazi. Người lại bảo vấn đề cá nhân mới là yếu tố quyết định. Nhưng điều khiến cộng đồng tình báo và quân sự Mỹ lo ngại nhất hiện nay là sự ra đi đó của ông có ảnh hưởng đến các hoạt động bí mật của cơ quan tình báo Mỹ?

Trong thế giới tình báo, việc các sĩ quan cấp cao bị “khai thác” hoàn toàn có thể xảy ra, với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Tất nhiên, với một chỉ huy quân đội lão luyện như ông Patreous, khả năng bị lôi kéo hay lợi dụng khó có thể xảy ra. Mặc dù vậy, không ai dám chắc một lúc nào đó ông đã sơ sểnh để “lộ thiên cơ”, đặc biệt khi "yếu điểm" của ông lại nằm trong lĩnh vực tình ái.

Chính vì vậy, ngay sau khi vụ việc được công khai, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lập tức mở chuyên án điều tra khả năng mối quan hệ bất chính của ông Petraeus (với nguyên thiếu tá Lục quân Paula Broadwell 40 tuổi có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến các nguyên tắc bảo mật của CIA.

Mặc dù trong tuyên bố phát đi chiều 9/11, Tổng thống Obama đã đánh giá cao những cống hiến to lớn của Tướng Petraeus trong việc “làm cho nước Mỹ an toàn và hùng mạnh hơn". Nhưng ẩn sau những lời lẽ ấy, chắc chắn ông Obama không khỏi lo lắng. “Không ai muốn nghe một tin tức như vậy ngay sau khi tái đắc cử", tờ Thời báo New York trích lời một quan chức cấp cao nói.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, Tổng thống Obama đã làm nên nhiều cái nhất. Ông là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Tổng thống da màu đầu tiên tái cử nhiệm kỳ hai liên tiếp và cũng là Tổng thống đầu tiên của đảng Dân chủ phải bắt đầu nhiệm kỳ hai với những lo lắng về 4 vị trí trụ cột nhất trong bộ máy lãnh đạo khung. Theo kế hoạch, muộn nhất vào cuối tháng này, ông sẽ phải tìm xong các gương mặt thay thế cho Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner và cả Giám đốc CIA Petraeus.

Đức Vũ

Nguồn tin: suachuamaytinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,773
  • Tháng hiện tại122,269
  • Tổng lượt truy cập30,371,355
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây