Hãng thông tấn bán chính thức Trung Tân và báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông số ra sáng 4/11 dẫn lời người phát ngôn “chính quyền Tam Sa” Trần Tế Dương nói rõ sẽ đưa đảo Phú Lâm trở thành trung tâm ngư nghiệp, du lịch và hỗ trợ quân sự của Bắc Kinh.
Cũng theo các báo trên, ông Trần Tế Dương đã công bố các kế hoạch phát triển Phú Lâm tại cuộc họp báo ngày 2/11 nhân kỷ niệm 100 ngày thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một đơn vị hành chính cấp khu vực có diện tích rộng hơn 2 triệu km2 được chính quyền Bắc Kinh thành lập hồi tháng 7 vừa qua.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ cho xây dựng một khu phức hợp các tòa nhà của “chính quyền Tam Sa”, mở rộng một sân bay, xây dựng một cơ sở hỗ trợ quân sự và trung tâm hỗ trợ ngư nghiệp cùng các tàu hải giám.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng dự định xây dựng một hải cảng mới, một nhà máy khử muối có khả năng xử lý 1.000 tấn nước biển mỗi ngày, một trạm phát điện bằng năng lượng mặt trời có công suất 500 KW, cùng một số cơ sở xử lý rác và xử lý nước thải sinh hoạt.
“Chương trình xây dựng sẽ củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với đảo Phú Lâm, nơi hiện có khoảng 1.000 người dân sinh sống”, ông Trần phát biểu tại cuộc họp báo.
Phú Lâm là đảo rộng nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm sau cuộc đụng độ quân sự năm 1974.
Ngoài việc thành lập “thành phố Tam Sa” trở thành trung tâm hành chính của cả ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa, Bắc Kinh còn thiết lập một đơn vị quân đội đồn trú cấp sư đoàn trên đảo Phú Lâm, cách đảo Hải Nam 330 km.
“Việc đầu tư 10 tỷ NDT không phải là một phi vụ lớn đối với Bắc Kinh. Hầu hết các dự án tại Tam Sa tập trung vào việc xây dựng đô thị theo mục tiêu lâu dài chứ không chỉ nhằm các mục đích quân sự”, chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh nhận định.
“Cả chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương đều muốn phát triển du lịch sinh thái ở Tam Sa. Nhưng hiện tại họ mới chỉ có một tàu chở hàng ven biển và một đường băng quân sự dài 2.700 m. Việc xây dựng một sân bay mới phục vụ du khách nước ngoài và một cảng nước sâu đủ khả năng đón các tàu viễn dương chở khách là thực sự cần thiết”, chuyên gia này nói thêm.
Những động thái trên diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Đại lục và Đài Loan phối hợp trên vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
“Người dân hai bờ eo biển Đài Loan có nhiệm vụ bảo tồn chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông”, Chủ tịch Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Vương Nghị, nói hôm 31/10, đúng một tuần sau khi một nhóm học giả Trung Quốc Đại lục và Đài Loan tuyên bố cùng hợp tác trong vấn đề chủ quyền.
Các học giả này tuyên bố sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về đường gẫy khúc 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) được Bắc Kinh ngang nhiên đưa ra cách đây không lâu, bất chấp các quy định của luật pháp biển quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trong khu vực.
Trên thực tế, từ lâu giới quan sát đã nói về khả năng hợp tác giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan trong các vấn đề tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc Đài Loan vừa qua “vào hùa” cùng Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản trên biển Hoa Đông là minh chứng hiển hiện cho vấn đề này.
Đức Vũ
Nguồn tin: Sửa chữa laptop
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn