Cooler Master Real Power Pro 850W Sự trở lại Ấn Tượng

Thứ tư - 01/12/2010 20:26

Cooler Master Real Power Pro 850W Sự trở lại Ấn Tượng

3 năm thăng trầm với thị trường Việt Nam, Cooler Master quay trở lại với người hâm mộ bằng hàng loạt các sản phẩm cao cấp với nhiều mức giá khác nhau nhằm phục vụ được cho mọi tầng lớp người lao động. Không những vậy, việc thay đổi nhà phân phối chính thức tại Việt Nam cũng sẽ góp phần cho thương hiệu này thăng hoa ở 2 mãng sản phẩm chính là Cooling và Bộ nguồn (PSU) .

 

 

 

Sự thay đổi không chỉ thể hiện qua việc phân phối hay bán hàng mà nó còn thay đổi một cách sâu sắc trong chính bản thân các dòng sản phẩm mà Cooler Master sản xuất. Ngay chính trong các dòng PSU của hãng cũng thế, một thời dòng iGreen được coi như cuộc cách mạng xanh bằng việc gia nhập nhóm sản phẩm thân thiện môi trường RoHS làm cho dòng Real Power điêu đứng, tụt hạng xuống như dòng trung cấp bình thường. Hôm nay, mọi chuyện lại đâu vào đấy khi sự phát triển dòng iGreen bị Cooler Master đưa ra khỏi lộ trình và Real Power lại lên ngôi với hàng loạt model được đưa ra cùng lúc có nhiều mức công suất khác nhau và cũng chính nó giúp cho Cooler Master bước vào nhóm các nhà sản xuất PSU trên 1KW khi tung ra model 1250W Real Power Pro.
Không có cơ hội gần gũi với em Cooler Master 1250W Real Power Pro vì chưa được sự hỗ trợ hoàn toàn từ Cooler Master nên hôm nay chỉ đem đến được cho bạn đọc một sức mạnh tầm 850W đó là model Real Power Pro 850W (RS-850-EMBA).

Bỏ đi phong cách thiết kế với hai màu chủ đạo tím và trắng. Dòng Real Power Pro khoát lên một chiếc áo mới với 2 màu đen/trắng nhìn chuyên nghiệp hơn, thấp thoáng đâu đó trên chiếc hộp vẫn còn dư âm của quá khứ được thể hiện qua các đường viền màu tím ở cạnh. Hộp đựng PSU có kích thước lớn (270x140x350mm) và rất nặng (4.1Kg) nên việc có thêm tay xách đã tạo sự thuận tiện rất nhiều cho người mua.

PSU Cooler Master 850W Read Power Pro đang bán tại Việt Nam là thuộc các lô hàng theo tiêu chuẩn xuất qua Vương Quốc Anh nên chất lượng của nó có vẻ rất khả quan, nếu dấu check tiêu chuẩn này đặt ở vị trí OTHER TAPE thì thường được xuất qua các thị trường dễ tính hơn như Châu Phi hay Châu Á của chúng ta.
Các Logo thể hiện các tính năng ưu việc nhất của 850W Real Power Pro được Cooler Master cố ý đặt ở vị trí tay xách nhằm gây sự chú ý cho mọi người xung quanh bạn. Các tính năng đó được thể hiện qua 6 Logo:
- SLI: chứng nhận tương thích với các hệ thống đồ họa kép của NVIDIA.
- 80Plus: chứng nhận của Hiệp hội bảo vệ môi trường và năng lượng Mỹ ENERGY STAR cho các sản phẩm PSU có hiệu suất trên 80%.
- HIGH EFFICIENCY: hiệu suất cao - tự khẳng định lại chứng nhận bên trên một lần nữa cho những ai chưa biết về tiêu chuẩn 80Plus.
- 3-YEAR QUARANTEE: chế độ bảo hành 3 năm toàn cầu.
- ULTRA SILENT: độ ồn cực thấp.
- 6 RAILS 12V: cung cấp 6 đường +12VDC.
 
Thay đổi cách đóng gói hoàn toàn, không còn gói cac-ton màu nâu đất bình dân thường thấy bên trong như loại Real Power 450W hay iGreen mà thay vào đó là hộp mút khá dầy, bao bọc tất cả PSU và phụ kiện đi kèm rất an toàn cho các chuyến đi xa.

Cooler Master 850W Real Power Pro có phụ kiện đi kèm PSU đơn giản, nó chỉ có:
- 1 cáp nguồn với đầu cắm theo chuẩn UK ít dùng tại Việt Nam.
- 4 ốc gắn PSU vào case.
- 1 sách hướng dẫn chi tiết cách lắp đặt và sử dụng.


Có chiều dài lên tới 180mm, Cooler Master 850W Real Power Pro chỉ thua PC Power & Cooling 1KW có 50mm, tổng trọng lượng cũng thuộc hàng khủng của nó lên tới 3.2Kg nên việc chọn cho nó một ngôi nhà (case) phù hợp sẽ là vấn đề của bạn phải đau đầu giải quyết, với kích thước và trọng lượng như vậy Cooler Master 850W Power Pro chỉ thích hợp nhất cho các thùng máy đúng chuẩn Full Tower.
Thiết kế PSU vẫn mang đậm nét của dòng iGreen một thời vang bóng, vỏ làm bằng kim loại phủ Niken màu chất lượng cao cho độ bóng và sắc màu sang trọng, có cá tính mạnh mẽ và rất phù hợp với phong cách muốn thể hiện sức mạnh của hệ thống thông qua các khung cửa sổ trên thùng máy của các bạn trẻ nghiện máy tính hiện nay (từ chuyên ngành gọi là show hàng).

Hệ thống làm mát chính được thiết kế ở vị trí trung tâm PSU với quạt có đường kính 140mm và được bảo vệ bằng lưới kim loại an toàn, lưới này cũng được xử lý cùng chất liệu làm vỏ PSU.

Logo nổi bật ở vị trí trung tâm lưới với thương hiệu Cooler Master được khắc laser sắc xảo gia tăng giá trị cho dòng sản phẩm này.

Loại bỏ công tắt nguồn chính cho PSU là một điều bất tiện cho dòng sản phẩm này, với Cooler Master thì việc không có công tắt này sẽ giúp 850W Real Power Pro tăng được diện tích thoát nhiệt phía sau, giúp PSU tản nhiệt một cách hiệu quả hơn nhưng "dân chơi" mất thú vui bật tắt nguồn khi cần thiết. Ngoài ổ lấy điện thông dụng thì 850W Pro còn có thêm một đèn LED báo tình trạng nguồn với tính năng được mở rộng hơn so với dòng iGreen, nó có khả năng báo 2 trạng thái hoạt động của PSU bằng cách thay đổi màu của đèn: màu đỏ cho trạng thái tắt và màu xanh cho trạng thái mở.

850W với khả năng cung cấp năng lượng cho 16 thiết bị gắn ngoài chưa kể nguồn điện cung cấp cho hệ thống Mainboard và VGA thì gánh nặng của Cooler Master 850W chính là hệ thống cáp của nó, với 11 đường cáp túa ra từ PSU thì trông nó có hình dáng như một chú bạch tuột khổng lồ. Trên tất cả các đường cáp đều được bọc lưới cẩn thận cho tới tận ngọn, an toàn và gọn gàng.


Đầu cấp AXT12V 4pin và EPS12V 8pin cung cấp nguồn điện cho CPU được tách ra riêng bằng 2 cáp độc lập, đầu cáp chính Main ATX chỉ hỗ trợ cho các thế hệ mainboard sử dụng socket 24pin. Ưu thế của PSU Cooler Master 850W Pro chính là các đầu cấp nguồn hỗ trợ PCI-E với 4 đầu 6pin và 2 đầu 8pin nó cho phép bạn chơi trên cả hai hệ thống đồ họa kép hiện nay là SLI (NVIDIA) và CrossFire (ATI) mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, cho bất kỳ loại VGA Card nào kể cả 8800Ultra hay HD2900XT. Ngay tại các đầu cắm chính đều được dán các tem ghi tên chủng loại đầu cắm rõ ràng, rất tiện lợi cho người mới dùng loại PSU có công suất lớn với nhiều đường điện.


Bộ máy "cồng kềnh" này do một thương hiệu khá nổi tiếng gia công cho Cooler Master 850W Real Power Pro đó là Enhance Electronics Co., Ltd. Hãng này đã làm một số thương hiệu như Akasa, một số mẫu của Silverstone và Xclio (dòng Stable Power). Thiết kế mạch gọn gàng và sạch sẽ, bố trí cánh tản nhiệt cân đối với tổng thể cấu trúc bên trong, các đầu cáp được hàn trực tiếp trên mạch, bó gọn không làm cản dòng không khí khi đi xuống dưới các linh kiện trên mạch.

So với dòng iGreen của Cooler Master thì hệ thống tản nhiệt trên dòng Real Power này có một sự cải tiến đáng nể. Trên hệ thống tản nhiệt của iGreen được Cooler Master cho là Super Silent thì với Real Power Pro nó được nâng lên tới mức Ultra Silent, khi thử nghiệm thực tế cho thấy hệ thống Super Silent của iGreen đã thất bại thảm hại khi PSU bắt đầu gánh tải trên 60% công suất danh định và khi đạt mức 100% thì nó đã biến thành ...Super Noise với tiếng ồn khá lớn. Còn với thế hệ Ultra Silent thì sao?...hãy đợi đến phút chót, còn bây giờ hãy coi hệ thống này được cấu thành như thế nào trong Cooler Master 850W Real Power Pro: để giảm ồn việc đầu tiên là hãy tăng kích thước quạt lên đến mức 140mm để giảm ồn nhờ lưu lượng không khí lưu chuyển lớn hơn khi sử dụng quạt 120mm, tốc độ quạt cũng vì thế mà không cần cao và đây cũng chính là nguyên nhân gây ồn lớn nhất trong PSU.
Sự đánh đổi đầu tiên thể hiện sự can đảm của Cooler Master là dám dùng quạt có tốc độ vòng quay cực thấp chỉ đạt tối đa 1400 RPM (tương đương quạt làm mát silent của Cooler Master hay Zalman dùng trong case) để giảm độ ồn tới mức tối thiểu, trong khi đó trên các PSU có sử dụng quạt cùng kích thước thì số vòng quay lúc nào cũng lớn hơn 2000 RPM. Quạt được sử dụng của Hãng Yonglinxing Technology Co., Ltd (Taiwan-1993) với model DFS132512H có kích thước 135x135x25mm, sử dụng điện thế hoạt động +12VDC được cấp trực tiếp trong PSU, bạc đạn là thành phần quay chính cho quạt nên quạt có tuổi thọ cao ít cần phải bảo trì. Điểm đặc biệt nhất của quạt làm mát này chính là số lượng cách của chúng lên tới 11 cánh so với các loại quạt thông thường chỉ có 7 cánh, điều này đã cho thấy PSU sẽ không cần phải "vận động" nhiều mới tạo ra một lượng không khí cần thiết đủ làm mát.

Thành phần thứ 2 không kém phần quan trọng đó chính là các khối tản nhiệt, các khối tản nhiệt này được thiết kế theo dạng hình xương cá đúng với phong cách của Enhance. Bề dầy từ thân lên tới phần lá tản nhiệt nơi tiếp xúc nhiều nhất với không khí từ quạt xuống có độ dầy bằng nhau và chúng là một khối thống nhất nhờ công nghệ ép kim loại định hình, trên một số loại PSU giá rẻ thì các lá xương cá này được cắt và bẻ so le nhau từ một lá nhôm bình thường nên hiệu quả tản nhiệt sẽ không cao bởi các vết rạn tại góc bẻ giữa thân và phần lá làm hạn chế hiệu quả dẫn nhiệt.

EMI - Bộ lọc xung nhiễu, được thiết kế ở đầu vào với các cuộn dây có kích thước lớn và được bọc cách điện một cách an toàn, tuy nhiên việc để tụ lọc của bộ EMI quá cao gây mất thẩm mỹ cho dù vẫn biết rằng việc để tụ lọc này cao lên nhằm để không gây ra tình trạng không khí nóng lưu chuyển phía dưới bo mạch bị nghẽn lại không thoát ra được.

Mạch PWM cần một nguồn DC cung cấp thật ổn định đầu vào thì nó mới có thể phát huy hết được khà năng của mình là tạo ra sự ổn định về dòng điện và điện áp cung cấp cho tải, nhất là khi luôn luôn hoạt động với mức công suất cao. Thành phần ổn định điện áp đó chính là mạch PFC, trong 850W Real Power Pro 3 thành phần chính của mạch này được xếp thẳng hàng, núp dưới các lá tản nhiệt là: Diode, Cuộn dây và Tụ lọc. Cuộn dây PFC khá lớn được quấn trên một lõi ferrite hình xuyến khi kết hợp với tụ điện sẽ thành một mạch dao động được điểu khiển bởi mạch điều khiển PFC (thường tích hợp chung với mạch điều khiển xung PWM).

2 Diode cầu chính được "đeo" các tản nhiệt riêng, chúng sẽ rất nóng khi hoạt động ở mức công suất cao

Cặp tụ lọc DC chính đảm đương nhiệm vụ nặng nền nhất nên luôn được ưu ái trang bị loại tốt nhất với thương hiệu Matsushita (Japan-1918) đã phần nào đem đến sự an tâm cho người dùng. Tổng dung lượng của 2 cây tụ này là 540uF/420VDC sẽ giúp mạch PFC hoạt động hiệu quả hơn.

Phần mạch chính đã được sử dụng hết cho các thành phần công suất với các đường mạch lớn nhằm gia tăng khả năng chịu được dòng diện lớn cho mạch in, do vậy mạch điều khiển đã hết đất sống đành phải dựng chúng lên theo kiểu mô-đun. Tất cả các phần linh kiện nhạy cảm của 2 mạch PWM/PFC và các mạch bảo vệ đều được tích hợp hết lên đây.

4 MOSFET công suất lớn được chia ra làm 2 cặp chịu trách nhiệm riêng cho từng phần PWM và PFC. Khối tản nhiệt tại đây cũng chỉ "tải" nhiệt cho 4 MOSFET này, nó dễ đặt được hiệu quả làm mát hơn cho phần công suất đầu vào.

Khi mở Cooler Master 850W Real Power Pro ra, thấy nó được trang bị tới 2 Biến áp công suất chính tôi khá bất ngờ khi cứ tưởng rằng PSU được thiết kế để hoạt động độc lập với 2 mạch công suất riêng biệt như dòng Dual Engine của Tagan. Nhưng khi kiểm tra kỹ lại thì thấy chúng được thiết kế một cách hoàn toàn khác với Tagan, vẫn chỉ có một mạch điều khiển công suất nhưng lại kéo cùng lúc 2 biến áp được đấu nối tiếp đảo pha - Hiệu quả của cách làm này như thế nào cũng khó giải thích khi trong tay ta không có được sơ đồ mạch cụ thể - phỏng đoán là có thể với tầm công suất 850W thì Cooler Master nếu sử dụng chỉ duy nhất 1 biến áp sẽ gặp khó khăn trong việc thiết kế mạch do kích thước biến áp sẽ lớn hơn, nhiệt độ khi ấy trên biến áp cũng tăng tỉ lệ theo, muốn vẫn giữ được công suất, thiết kế linh kiện phù hợp với mạch in và giải quyết vấn đề nhiệt độ thì giải pháp là chia công suất ấy lên trên 2 biến áp có kích thước nhỏ hơn. Phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán, việc của Cooler Master là cần phải chứng minh công nghệ của mình hiệu quả thế nào thông qua thử nghiệm công suất thực tế.
Nguồn cấp trước +5VSB hoạt động độc lập với hệ thống công suất chính. MOSFET có tản nhiệt riêng không dùng chung với các thành phần linh kiện công suất khác để tránh sự ảnh hưởng nhiệt độ cao của tần công suất PWM/PFC này, việc sử dụng riêng các tản nhiệt trên các thành phần công suất còn giúp PSU giải quyết vấn đề nhiệt độ hiệu quả hơn.

Ngoài tụ lọc chính sử dụng hàng của Nhật thì các tụ còn lại chỉ sử dụng duy nhất 1 loại tụ của Taiwan là TEAPO, sử dụng linh kiện tốt từ các nhà sản xuất linh kiện công suất chuyên nghiệp sẽ giúp cho sản phẩm này có tuổi thọ và độ tin cậy cao hơn.

Được sản xuất theo tiêu chuẩn môi trường RoHS, bo mạch của 850W Real Power Pro khá đẹp và sạch sẽ, sử dụng mạch in 2 lớp do vậy ta thấy lượng linh kiện trên PSU này có phần thưa thớt, đường mạch in thông thoáng, các đường mạch công suất có kích thước lớn hơn sẽ gia tăng và chịu đựng được dòng tải cao mà không dẫn đến việc cháy mạch một cách oan uổng khi vẫn chưa khai thác hết công suất.

Hệ thống bảo vệ quá nhiệt được trang bị tới 2 đầu dò nhiệt độ, chúng được gắn trên phiếm tản nhiệt của Diode nắn điện thứ cấp ờ đầu ra. Một có nhiệm vụ dò nhiệt độ cho mạch bảo vệ quá nhiệt, một dành cho hệ thống smart fan điều khiển quạt thông minh theo nhiệt độ PSU. Trên các PSU Cooler Master dòng iGreen chỉ có một sensor và nó được dùng chung cho cả 2 tính năng.

Không sử dụng các sensor dòng dạng dây kim loại như các PSU khác, trên Cooler Master 850W Real Power Pro thay thế bằng các điện trở công suất chính xác như ta thấy trên hình có giá trị từ 0.001 Ohm tới 0.002 Ohm cho các đường +12VDC tương ứng với giá trị dòng cắt từ 18A đến 28A. Khi sử dụng sensor dòng bằng điện trở chính xác thì sẽ giúp gia tăng được độ nhậy của mạch bảo vệ quá dòng, điểm lợi thứ 2 là khi có quá dòng đột biến nếu mạch bảo vệ quá dòng không khị cắt thì chính các điện trở này sẽ trở thành các cầu chì nối tiếp với tải và chúng sẽ bị đứt ngay để kịp thời bảo vệ cho PSU.

Thể hiện thông tin kỹ thuật được thể hiện rõ ràng cho người mua. PSU Cooler Master 850W Real Power Pro ra đời dựa trên hai tiêu chuẩn mới nhất là AXT12 rev 2.2 và EPS12V rev 2.91 cho khả năng cung cấp năng lượng tối ưu nhất cho đường điện áp +12VDC với tổng công suất tối đa lên tới 768W. Nhằm để tăng sự an toàn tránh ảnh hưởng không tốt qua lại giữa các thiết bị trên cùng một hệ thống, 850W Pro có tới 6 đường +12VDC với khả năng cung cấp dòng tải lên tới 28A trên 2 đường 12V3 và 12V4 còn các đường còn lại được giới hạn ở mức 18A cho mỗi đường.
Việc dùng nhiều đường 12V sẽ cho độ tin cậy cao nhờ việc dễ dàng quản lý dòng tải trên mỗi nhu cầu cung cấp năng lượng (Mainboard, CPU, VGA, thiết bị,...) riêng biệt, tuy nhiên nó sẽ rất dễ dẫn đến việc PSU bị quá tải do việc phân chia tải không đồng cho các thiết bị điều này đã từng xẩy ra khi người dùng vì lý do thẩm mỹ chỉ sử dụng một đường cáp duy nhất cung cấp cho nhiều thiết bị song song nhau, các cáp còn lại không sử dụng và dấu đi cho đẹp, cho dù PSU có khả năng cung cấp tổng dòng điện cực lớn là 64A (768W/12V) nhưng do tải chỉ dồn hết trên một đường 12V có dòng cung cấp tối đa là 18A thì PSU vẫn phải tự shutdown để bảo vệ (bảo vệ nhầm). Nhiều dân chơi hàng khủng đã gặp không ít vấn đề này và kết quả là cả hệ thống bị bới tung lên để kiểm tra trong khi chúng chả có tội tình gì, người dùng còn đau đầu hơn khi họ không bao giờ nghĩ tới PSU trong trường hợp này. Với nhà sản xuất, để giải quyết và dung hòa giữa công nghệ và ứng dụng thực tế bằng cách mã màu dây trên các cáp 12V của từng đường theo nguyên tắc vẫn lấy màu vàng làm chủ đạo/kéo sọc màu phân biệt cho từng đường (vàng/xanh, vành/nâu,...). Tuy nhiên giải pháp này không được triệt để lắm khi nhà sản xuất lại không cung cấp cho người dùng thông tin mã màu dây đó là thuộc đường 12v nào! do vậy khi gặp trường hợp này bạn nên tận dụng hết các đường 12V và cắm chúng vào các thiết bị.
Dừng chân ở mức công suất 191W cho hai đường +3.3VDC và +5VDC các thế hệ máy tính trên nền tản chipset và CPU mới gần như đã nói "không" với 2 giá trị điện áp này, cho dù các PSU có công nghệ mới hơn, có công suất lên tới KW xuất hiện thì chúng cũng sẽ không gia tăng thêm công suất trên hai đường này mà chỉ tập trung đua công suất ở đường +12VDC.
Đường +5VSB thật ấn tượng, được coi như là loại có công suất lớn nhất hiện nay với 3.5A nó cho phép bạn gắn trên 10 thiết bị USB hay card mạng nhằm giúp hệ thống khởi động từ xa hay duy trì sự sống cho các thiết bị USB khi hệ thống đã tắt (+5VSB cấp trước cho các thiết bị gắn ngoài qua cổng USB sẽ có điện hay không có điện là tùy thuộc mainboard và cách thiết lập trong BIOS hay các jump gắn ngoài).
Tất cả, tất cả các giá trị công suất trên sẽ tạo ra một nguồn năng lượng ước chừng 850W khi bạn tận hưởng một em Cooler Master 850W Real Power Pro.

Sự trở lại thị trường Việt Nam của Cooler Master với dòng Real Power Pro khá ấn tượng, nó thể hiện khá tốt đẵng cấp của mình.
CÔNG SUẤT: dễ dàng đạt mức công suất 850W (100%) với công suất các đường điện như sau:
- +3.3VDC đạt 68.36W (3.24V x 21.1A).
- +5VDC đạt 114.55W (4.97V x 23.05A).
- +12VDC đạt 650.7W (12.05V x 54A).
- +5VSB đạt 16.07W (4.87V x 3.3A).
Tổng công suất: 849.69W.

Overload: Không có gì bất ngờ do thông tin từ trang web của hãng đã cho biết PSU 850W Real Power Pro có công suất tối đa là 1000W (Max. Output Capacity) tức là hơn 20% công suất 850W, đây cũng chính là hệ số công suất an toàn cho bạn nhưng đã được hãng thiết lập sẵn nên bạn có thể khai thát tốt PSU này ở mức 850W một cách bình thường với điều kiện cần chú ý chỉ là nhiệt độ trong case của bạn nên duy trì ở mức càng thấp càng tốt. Kết quả sau 4 giờ chạy liên tục ở mức 1000W PSU vẫn chạy tốt, tốc độ quạt có gia tăng nhưng độ ồn vẫn chấp nhận được. Công suất trên các đường điện lúc này như sau:
- +3.3VDC đạt 70.62W (3.21V x 22A).
- +5VDC đạt 116.32W (4.95V x 23.5).
- +12VDC đạt 813.6W (12V x 67.8).
- +5VSB đạt 14.7W (4.9V x 3A).
Tổng công suất: 1015.25W.

ĐIỆN ÁP: luôn được duy trình trong mức +/- 5% của chuẩn ATX12V rev 2.2/EPS rev 2.91. Điện áp trên đường 12V trung bình đạt 12.12V với sai số +1% và luôn duy trì điện áp trên mức 12V kể cả khi nó đạt công suất tối đa là 1000W. Các đường điện áp còn lại tuy không có con số tròn trịa như đường +12VDC nhưng vẫn nằm trong mức cho phép: đường +5VDC điện áp ra trung bình là 5.03V (+0.7%) và đường +3.3VDC điện áp ra trung bình là 3.3V (+0%). Công suất lớn và điện áp ổn định đã chứng tỏ Cooler Master đã chọn đúng đối tác trong việc giao phó thương hiệu của mình vào tay Enhance, cũng như chứ tỏ công nghệ sử dụng 2 biến áp đã phát huy tác dụng tốt trong việc điều tiết được điện áp ra ở một dãi rộng.

HIỆU SUẤT: luôn đạt trên 80% trong các mức thử, có lúc lên khá cao nếu bạn khai thác PSU này ở mức 50% công suất - PSU Cooler Master xứng đáng dược nhận chứng nhận của 80Plus. Hiệu suất cao sẽ giảm thiểu được lượng nhiệt thoát ra từ PSU và giúp bạn tiết kiệm được chi phí năng lượng.

NHIỆT ĐỘ và ĐỘ ỒN: hiệu suất cao với hệ thống tản nhiệt hiệu quả, PSU luôn duy trì mức chênh lệch nhiệt độ dưới 11 độ C so với nhiệt độ phòng thử (24 độ C) với mức công suất cao nhất là 850W nhiệt độ đo được tại luồng không khí đi ra từ PSU chỉ có 35.3 độ C và 43.2 độ C khi ở 1010W. Kích thước PSU lớn theo chuẩn EPS12V cũng góp phần không ít vào việc làm mát, tạo được sự thông thoáng nhất định bên trong PSU cộng với quạt được thiết kế cho lưu lượng gió lớn nên cũng đã góp phần không ít vào việc hạ nhiệt cho PSU này. Quạt 140mm hoạt động rất êm (chả bù cho iGreen) nhờ tốc độ vòng quay thấp hạn chế rất nhiều tiếng động không cần thiết, tạo một không gian tĩnh lặng cần thiết cho công việc.
Cooler Master 850W Real Power Pro được trang bị các thành phần linh kiện tốt, sản xuất trên công nghệ sản xuất PSU tiên tiến nên có chất lượng khá tốt. Vật liệu chế tạo cao cấp, kiểu dáng hiện đại hơn bởi có kích thước theo chuẩn EPS12V nên có vẻ bề ngoài trông bắt mắt thích hợp khi đi kèm các loại thùng máy có Side Window.
Hiệu năng cao trên 80% cho tổn hao năng lượng ở mức thấp nhất, điện áp ra có độ ổn định cao, công suất cung cấp khá lớn và có một hệ số an toàn cao lên tới 20% (1000W) do vậy việc khai thát PSU liên tục ở mức 850W hoàn toàn có thể được. Đối với các hệ thống máy game off-line thì 850W Real Power Pro không có giới hạn cho việc nâng cấp VGA card cho dù bạn có thể sẽ sử dụng một hệ thống đồ họa kép trong tương lai thì nó vẫn có khả năng đáp ứng được bằng số lượng đầu kết nối hùng hậu và đầy đủ nhất.
Hàng có thể tốt thật nhưng với giá 220 USD thì Cooler Master 850W Real Power Pro có thể vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Hãy bắt đầu suy nghĩ tới Cooler Master 850W Real Power Pro khi bạn đang có trong tay 1 cặp 8800GTX và đang mơ tới một chân trời mới với đôi cánh của 9800GTX trong tương lai gần. Được bảo hành tới 3 năm sẽ làm cho bạn an tâm sử dụng hơn khi bỏ ra một khoảng đầu tư không phải nhỏ.

ĐÁNH GIÁ CHUNG
ƯU:
- Thiết kế đẹp.
- Công suất 850W.
- Hệ số công suất an toàn cao lên tới 20% (tương đương 1000W)
- Hiệu năng cao trên 80%.
- Độ ồn rất thấp.
- Hỗ trợ đầy đủ cho SLI và CrossFire.

KHUYẾT:
- Giá cao.
- Không có công tắc nguồn chính.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,188
  • Tháng hiện tại183,526
  • Tổng lượt truy cập30,432,612
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây