Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ đưa Biển Đông ra LHQ

Thứ tư - 23/01/2013 20:13

 Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ đưa Biển Đông ra LHQ

(Dân trí) – Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi người dân sát cánh cùng chính phủ trong nỗ lực đưa tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc ra LHQ, động thái đang đẩy Trung Quốc vào thế khó.

Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ đưa Biển Đông ra LHQ
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Manila đã đưa vụ tranh chấp ra Tòa án quốc tế về luật biển ngày 22/1/2013.

Chính phủ Philippines kêu gọi nhất chúng đồng tâm

Báo chí Philippines ngày hôm qua đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã ra thông báo chính thức giải thích về quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ mạnh mẽ quyết định của chính phủ.

“Nếu ai đó tự tiện xông vào nhà và tìm cách lấy đi một cách bất hợp pháp tài sản của chúng ta thì liệu ta có thể ngồi yên? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia và vùng biển của mình”, hãng tin GMA News trích dẫn nguyên văn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh đến ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước.

"Mọi người dân Philippines nên hậu thuẫn Tổng thống để bảo vệ những gì là của chúng ta. Tất cả chúng ta nên đoàn kết nhất trí trước toàn thể thế giới để biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của Tổng thống trong vấn đề này", thông cáo đưa ra lời kêu gọi sau khi phân tích cụ thể quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển đã được Ngoại trưởng Albert del Rosario công bố trước đó đúng một ngày.

Cũng theo GMA News, đơn khiếu kiện Trung Quốc của Philippines là một tập hồ sơ tổng hợp tất cả các dữ liệu liên quan đến những động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt 17 năm qua, đặc biệt là những bước leo thang nguy hiểm từ năm ngoái trở lại đây.

Philippines muốn Tòa án LHQ về Luật biển xem xét toàn diện tính xác thực của việc Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời đưa ra phán quyết về về những “hoạt động phi pháp” của Bắc Kinh quanh các đảo đá Scaborough/Hoàng Nham mà hiện cả hai bên đều tuyên bố có chủ quyền theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trung Quốc sẽ làm gì?

Mặc dù Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã chính thức tái khẳng định quan điểm của nước này trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước liên quan ở Biển Đông, song đến nay Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng chính thức về hồ sơ kiện đã được Manila gửi lên LHQ.

Giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tham gia toàn bộ tiến trình xét xử, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp thông qua thương nghị trực tiếp mà không có bên thứ ba.

“Phiên tòa xét xử có thể sẽ được xúc tiến mà không có sự tham dự của Trung Quốc”, chuyên gia phân tích kỳ cựu Carl Thayer của trường Ðại học New South Wales nói.

Ông Thayer cho rằng Philippines đang mong chờ một phán quyết mang lại cho họ thắng lợi tinh thần.

“Ðây không những là vụ kiện liên quan đến vấn đề pháp lý mà còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Nếu tòa án LHQ ra phán quyết chỉ có một phần nhỏ nghiêng về Philippinese thôi, thì nó cũng làm xẹp bớt những khẳng định của Trung Quốc và đem lại thêm tính hợp pháp cũng như sự che chở quốc tế cho Philippines”, ông Thayer phân tích.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thayer, cho dù tòa án LHQ đưa ra phán quyết mang tính ràng buộc, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ngơ, nhất là khi sẽ không có bất kỳ cơ chế ràng buộc nào đi kèm để buộc các bên phải tuân thủ triệt để phán quyết.

“Việc Trung Quốc không tham gia tiến trình xét xử và không thực thi phán quyết của tòa án LHQ có lẽ không phải là hành động khôn ngoan về mặt ngoại giao. Nhưng đây có lẽ lại là điều chính phủ Philippines đang nhắm tới”, chuyên gia an ninh hàng hải Sam Bateman thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore đề cập ở một khía cạnh khác.

“Xét trên các phương diện, đây là một cử chỉ mạnh bạo của Philippines nhằm đẩy Trung Quốc vào chỗ sẽ có phản ứng tiêu cực gây bất lợi cho chính Bắc Kinh”, ông phân tích.

​​“Nếu Trung Quốc quyết định không tham gia phiên toà, đương nhiên nó sẽ gây ra một phản ứng khác ở LHQ. Nó sẽ phơi bày mưu đồ thực sự của Trung Quốc tại Biển Đông và bên cạnh đó cũng cho thế giới thấy rằng Trung Quốc thiếu sự chuẩn bị cho các hành động pháp lý quốc tế như thế nào”, ông Bateman phán đoán.

Theo UNCLOS, các nước có quyền không tham gia tài phán liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc về tranh chấp ranh giới lãnh hải và chủ quyền. Với quy định này, giới chuyên gia dự đoán toàn bộ tiến trình xét xử sẽ mất ít nhất 3-4 năm, thậm chí lâu hơn.

Đức Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay6,985
  • Tháng hiện tại130,799
  • Tổng lượt truy cập30,581,311
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây