Ông David Petraeus và vợ chuẩn bị gặp Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vào ngày 23/6/2011 để thảo luận về việc ông được đề cử làm giám đốc CIA. Ảnh: AP. |
Sự nghiệp của giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông David Petraeus, kết thúc một cách đáng hổ thẹn bởi mối quan hệ tình cảm ngoài luồng. Một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi: Tại sao nhiều người có địa vị xã hội cao lại sẵn sàng mạo hiểm để lao vào những cuộc tình đầy rủi ro?
Chỉ trong vài năm qua, nhiều chính trị gia hàng đầu tại Mỹ - như cựu nghị sĩ Anthony Weiner, cựu thống đốc Arnold Schwarzenegger – đã thừa nhận quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân. Theo các nhà tâm lý, trong trường hợp của Petraeus, có lẽ ông không lường hết nguy cơ của hành vi phản bội vợ.
“Những nguy cơ nhỏ có thể nhanh chóng trở thành nguy cơ lớn nếu con người thường xuyên đối mặt với chúng, song đôi khi chúng ta đánh giá quá thấp tốc độ phát triển của nguy cơ. Nếu bạn thực hiện một hành động mạo hiểm nào đó một lần rồi thôi, có thể bạn sẽ không gặp vấn đề nào. Song nếu hành vi mạo hiểm tái diễn nhiều lần, nguy cơ sẽ vọt lên mức rất cao”, Livescience dẫn lời giáo sư Baruch Fischhoff, chuyên gia về hành vi ra quyết định của Đại học Carnegie Mellon tại Mỹ.
Mặc dù vậy, đàn ông thường “quên” mọi nguy cơ khi thấy một phụ nữ hấp dẫn. Một nghiên cứu vào năm 2008 cho thấy, nếu nam giới thấy phụ nữ quyến rũ trong lúc đánh bạc, họ sẽ sẵn sàng chấp nhận mức độ mạo hiểm lớn hơn so với những người đàn ông thấy phụ nữ xấu.
Nếu xét trên phương diện tiến hóa, lừa dối tình cảm có thể là một trong những chiến thuật của loài người nhằm tăng khả năng truyền gene cho thế hệ sau, các nhà tâm lý lập luận.
Nhiều vị tướng lừng danh của Mỹ như Dwight D. Eisenhower, Douglas MacArthur, George Patton đều từng có nhân tình.
“Dân Mỹ không nên tỏ ra ngạc nhiên khi Petraeus ngoại tình”, Frank Farley, nhà tâm lý của Đại học Temple tại Mỹ, tuyên bố.
Farley cho rằng phần lớn nhà lãnh đạo quân sự như Petraeus là những người sẵn sàng mạo hiểm, một tính cách cần thiết khi chỉ huy binh lính trên chiến trường.
Paula Broadwell từng tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point. Vì thế có thể cô cũng sở hữu tính cách ưa mạo hiểm như cựu giám đốc CIA. Bản thân Broadwell từng thừa nhận cô và chồng là mẫu người thích phiêu lưu.
Michael Baker, một giáo sư tâm lý của Đại học Eastern Carolina tại Mỹ, khẳng định sự nghiệp hay danh tiếng không thể so sánh với khao khát truyền gene cho thế hệ sau.
“Nhiều người muốn vươn lên địa vị cao và giành quyền lực lớn để tăng khả năng chinh phục người khác giới và tăng khả năng truyền gene”, ông kết luận.
Chế độ một vợ một chồng là một thành tựu to lớn của loài người, song nó vẫn là khuôn mẫu xa vời đối với một bộ phận nhân loại.
“Loài người tạo ra vô số vấn đề với chế độ một vợ một chồng trong hàng nghìn năm qua. Những vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết”, Farley bình luận.
Nguồn tin: linh kien laptop
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn