Huntkey Jumper 550

Thứ sáu - 15/07/2011 22:19
Hôm nay, tiếp tục giới thiệu đến các bạn thêm một mẫu PSU của HuntKey với sự quay lại của dòng Jumper. Tôi phát hiện ra một điều khá lý thú khi nhận được sản phẩm này, đó là khái niệm một “dòng” sản phẩm của HuntKey rất khác người, bình thường thì một dòng sản phẩm PSU sẽ có đặt tính và thiết kế giống nhau chỉ khác về công suất nhưng với HuntKey thì “dòng” chỉ là tên gọi cho một đẵng cấp còn các PSU trong dòng đó thì khác nhau hoàn toàn.


HuntKey Jumper 550 với mức công suất phổ dụng và tính năng quản lý cáp thuận tiện, thiết kế trên phiên bản ATX mới nhất cùng với công nghệ điều khiển Double-MOS Forward Circuit đem đến một sự hoạt động ổn định với hiệu suất cao.

Bề ngoài và các tính năng 



Kích thước và thiết kế tổng thể của hộp đựng giống như của 2 model Jumper trước đây, một tay xách khá thuận tiện cho người mua; tuy nhiên tôi lại thích màu sắc của chiếc hộp này hơn, trông rất mạnh mẽ nhờ việc phối màu Đỏ sậm và Đen. Một số logo cho thấy đặt tính nổi bật của nó là hiệu suất cao, tính năng A.PFC, quản lý cáp thông minh, hoạt động êm ái, … Trong đó một logo nổi bật nhất thể thể hiện khả năng “overclocking” tới 600W trong chế độ hoạt động liên tục cùng lời nhắn gửi của HuntKey: “Tolerance Built for more power. 550W rated power could ever reach 726W while overclocking”. Bạn có tin không?



Xung quanh hộp được in nhiều thông tin quảng cáo cho các tính năng nỗi bật, thông số kỹ thuật chính của PSU cùng với hình chụp mô tả đầu cấp nguồn cho người chưa biết gì về nguồn, một số “tin” chính như sau:

Complies with Intel ATX12V V2.31 & EPS 12V V2.92 → Tương thích với tiêu chuẩn thiết kế Intel ATX12V phiên bản 2.31 và EPS 12V V2.92 mới nhất.

Certified by 80 PLUS → Hiệu suất cao trên 80% với chứng nhận 80 PLUS Đồng.

Active PFC (PF>0.99) → Tính năng điều chỉnh hệ số công suất chủ động với hệ số công suất cao trên 0.99

Cable management design → Tính năng quản lý cáp (cáp rời).

Extreme silence with intelligent-thermal fan control technology → Hoạt động êm ái với công nghệ điều khiển quạt thông minh.

Supports SLI & Crossfire Multi-GPU VGA card → Hỗ trợ cấp nguồn cho các hệ thống sử dụng đồ hoạ kép SLI (Nvidia) hay Crossfire (ATI).

Supports Intel & AMD Dual Core CPUs and Multi Core CPUs → Hỗ trợ các CPU lõi kép và đa lõi của Intel & AMD.

Dual magnetic amplification → Công nghệ khuếch đại từ kép.

Multiple Protections Function: OCP, OVP, UVP, OPP, SCP → Tính năng bảo vệ đầy đủ.

100% Burn-In test & Hi-Pot test → 100% đã được thử nghiệm trong điều kiện khắc nhiệt và thử nhiệm độ cách điện.

MTBF: 100 KHrs → Tuổi thọ trên 100 ngàn giờ.



Song song đó HuntKey còn cung cấp cho bạn 2 biểu đồ tương quan của công suất và hiệu suất trên từng mức công suất khai thác từ PSU.



Hầu như không cung cấp cho người dùng bất kỳ phụ kiện gì ngoài một sách hướng dẫn. Dây nguồn cũng không có, hy vọng là nhà phân phối chính hãng sẽ tặng kèm cho người mua.



Hình thức được thiết kế đẹp, bóng bẩy nhờ lớp xi mạ niken có màu nâu bao trùm toàn bộ PSU, trên lớp xi có nhiều đường sướt mịn làm cho nó ánh lên trước ánh sáng, tuy nhiên nó lại làm cho PSU dễ bám dấu tay hơn. Kích thước PSU được kéo dài hơn kích thước chuẩn 2 cm với chiều dài lên tới 160 cm.



Lưới thoát nhiệt phía sau có hình tổ ong, một hình dạng tối ưu cho việc thoát khí. Với tính năng A.PFC Jumper 550 loại bỏ các thành phần thừa là công tắc chọn điện áp và bỏ luôn công tắc nguồn chính, thiếu đi công tắc nguồn chính làm cho dân chơi PC khá khó chịu khi phải thường xuyên rút điện mỗi khi muốn thao tác bên trong máy – nhưng lại an toàn hơn cho chính họ. Phía sau PSU, là các đầu gắn dây cáp được xếp làm 2 hàng với đầu 8 pin đánh dấu đỏ cho biết vị trí gắn cáp PCI-E còn lại là 4 đầu 6 pin cho các thiết bị ngoại vi. 4 khe gió gần cáp chính giúp cho việc làm mát các thành phần diode và bộ lọc DC phát huy được hiệu quả.



Chơi sang hơn với các PSU có cùng công suất Jumper 550 được trang bị một quạt có kích thước tới 140mm. Lưới bảo vệ xi trắng, khung lưới đồng tâm với gọng lưới cách điệu uốn lượng được xem như một phong cách khá đặc trưng cho thương hiệu HuntKey, tâm quạt nổi bật với logo mang thương hiệu HuntKey bằng kim loại trắng sáng. Quạt của hãng YATE LOON, model D14SH-12 thuộc dòng quạt tốc độ cao (High Speed Silent) nó có tốc độ rất lớn lên tới 2800 RPM, lưu lượng 140 CFM, độ ồn lúc này là 48.5 dBA.



HuntKey Jumper 550 có công suất danh định là 550W, công suất tối đa có thể hoạt động bình thường theo HuntKey là 600W. Tổng công suất tối đa của 2 đường +3.3VDC và +5VDC đạt 140W, với khả năng tương đương lớn nhất là 24A cho mỗi đường này. Phần công suất tối đa 41A tương đương 492W của đường 12V được chia ra cho 4 rail 12V, chúng được phân bố không đồng đều với 16A cho đường 12V1, 12V2, 14A cho đường 12V3 và chỉ còn 8A cho đường 12V4. Khả năng thật sự của các đường 12V này sẽ phải được thử nghiệm và chứng minh qua kết quả bảo vệ quá tải (dòng tối đa cho 1 rail), còn đối với tôi thì đường 12V4 với mức 8A là không thể đủ cho VGA Card có sức mạnh trung bình.

Đường cấp trước +5VSB có công suất lớn tới 3A trong khi đó đường -12V chỉ duy trì với mức hiệu dụng là 0.5A. Có tính năng A.PFC nên Jumper 550 có thể hoạt động tốt trong một dải điện áp AC vào rộng từ 90~264VAC.



Toàn bộ cáp nguồn của Jumper 550 đều được bọc dây lưới tới tận răng, lưới thưa và thô ráp không mềm mại. Khả năng kết nối mạnh với số lượng đầu kết nối ngoại vi lên tới 17 thiết bị, trong đó có 8 đầu nguồn cho SATA và 7 đầu cho PATA.



Tuy có tới 3 đầu nguồn cho VGA nhưng trong đó chỉ có 1 đầu là loại 6+2 pin nên đã làm cho khả năng phát huy hệ thống đồ hoạ kép bị giới hạn ở các VGA Card chỉ cần duy nhất một đầu PCI-E 6 pin với mức công suất tiêu thụ dưới 150W/Card hoặc chỉ kết nối tới 1 Card hiệu năng cao có công suất tiêu thụ dưới 300W.



Việc mã màu cho các đường 12V của Jumper 550 không chính xác, trên nhãn ghi thông số tuy có ghi màu dây tương ứng với từng đường nhưng chúng lại trùng nhau, như: màu Vàng/Đen cùng chung đường 12V1 và 12V4, còn đường 12V2 và 12V3 lại cùng mã màu Vàng, bạn sẽ bối rối ngay nếu tìm màu trên các cáp vì chúng đều là màu Vàng chỉ trừ đường cấp nguồn cho CPU qua đầu ATX12V 4+4 pin là có màu Vàng/Đen.

Nếu nói màu Vàng/Đen của đầu ATX12V 4+4 pin tương ứng với đường 12V1 (16A) hoặc 12V4 (8A) thì bạn cũng nhầm luôn. Qua kiểm tra thực tế bằng việc dò dây từ board mạch chính lên các kết nối cho thấy chính xác các đường được phân bố như sau:

12V1 (16A) → Main 20+4 pin và thiết bị ngoại vi qua kết nối Modula 5 pin

12V2 (16A) → CPU 4+4 pin

12V3 (14A) → Kết nối Modula 8 pin nằm ở dưới cho đầu cấp PCI-E

12V4 (8A) → Kết nối Modula 8 pin nằm ở trên cho đầu cấp PCI-E

Chưa hết, sự sơ xuất không chú giải các kết nối Modular trên Jumper 550 của HuntKey sẽ làm người dùng dễ dàng cắm nhầm cáp PCI-E 6+2 pin (sợi cáp này có 2 đầu PCI-E) vào đầu Modula phía trên chỉ có công suất tối đa 8A, nếu thật sự đường này chỉ cung cấp được 8A tương đương 96W thì nguy cơ thiếu điện cho các VGA khủng rất cao và dễ làm hư card. Hy vọng chuyện này sẽ biến mất ở các phiên bản sau của Jumper 550.



Chiều dài cáp khỏi chê, ngắn nhất cũng là 52 cm dư sức kéo dải trong các thùng máy ATX. Rất linh hoạt cho việc thiết kế hệ thống, tuy chỉ có 4 đầu modular trên PSU nhưng bạn lại có tới 6 cáp loại này, một nữa chúng là kết nối SATA và một nữa là PATA, tuỳ vào hệ thống của bạn cần nhiều loại đầu nào thì bạn có thể tận dụng hết số đầu cấp nguồn cho loại đó chứ không cố định như các PSU modula trước đây có số cáp bằng số đầu modular, muốn cắm tăng cường thêm cũng không được.

Công suất, Hiệu suất và hệ số công suất FP:

Dòng Jumper có chất lượng đã được chứng minh qua hai model 450B và 600B trước đây nên hôm nay Jumper 550 sẽ được thử nghiệm trên nhiệt độ môi trường 45ºC. Công suất 2 đường +5VDC và +3.3VDC được thiết lập tối đa ở mức 110W.



Đạt công suất thật 550W trong nhiệt độ 45ºC. Tổng công suất đường 12V là 35A tương đương 420W. Hai đường +3.3VDC và +5VDC đạt mức công suất 13.3A cho mỗi đường. Với chứng nhận 80Plus nhưng kết quả thực tế cho thấy PSU này có hiệu suất khá cao tương ứng với các mức công suất 20%, 50% và 100% là 87.69%, 88.63%, 85.3% tương đương với chứng nhận 80Plus Silver là 85%, 88%, 85%. Hệ số công suất cao trung bình là 0.96 phát huy tốt hiệu quả làm nhẹ gánh hệ thống phân phối điện và giúp nâng cao được thời gian hoạt động của các bộ lưu điện khi dùng chung.

Thử nghiệm khả năng overload lên 600W và 720W như HuntKey quảng cáo trong môi trường nhiệt độ 45ºC.



Việc HuntKey Jumper 550 hoạt động bình thường ở mức công suất 600W thật sự không có gì quá ngạc nhiên nhất là khi phân tích thành phần linh kiện và kết cấu mạch ở trang sau. Ở mức công suất 600W này, Jumper 550 cung cấp được 470W tương đương 39A cho đường 12V, hiệu suất vẫn đảm bảo trên 83%, hệ số PF có phần tăng cao hơn một chút là 0.984.

Trong mức công suất 720W, tôi điều chỉnh lại tỉ lệ tải cho các đường 12V bằng nhau với tổng công suất 600W tương đương 50A, các đường còn lại duy trì ở mức công suất 100W. Ở mức công suất này, Jumper 550 chạy được khoảng 2 phút rồi tự tắt. Các giá trị điện áp giảm nhẹ so với mức 600W nhưng vẫn ổn định và có sai số thấp. Hiệu suất không suy giảm mà hơi nhỉ lên một chút đạt 84%, hệ số công suất cũng tăng nhẹ lên 0.985. Nhiệt độ luồng không khí thoát ra lúc này lên khá cao tới 60ºC, nhiệt độ chênh lệch đạt 15ºC, độ ồn do quạt tạo ra vẫn có thể chấp nhận được. Tuy đạt tới công suất 720W trong thời gian ngắn nhưng không thể ứng dụng để hoạt động hằng ngày nhưng kết quả đó cũng cho thấy khả năng tối đa của PSU giúp nó tồn tại trong trường hợp hệ thống bị quá tải trong thời gian ngắn.

Sự ổn định điện áp



Jumper 550 có sai số điện áp thấp, duy nhất đường cấp trước +5VSB là có sai số lên tới -2.9% (tiêu chuẩn ± 5%) và đường +3.3VDC là -1.8% (tiêu chuẩn ± 5%), còn lại tất cả các đường khác kể cả đường -12V đều nằm dưới mức 1.3%, giao động điện áp không đáng kể dưới 0.15V cho tất cả các đường. Mạch ổn áp hoạt động hiệu quả ngay với mức công suất cao.

Nhiệt độ hoạt động



Mạch điều khiển quạt theo nhiệt độ hoạt động khá hiệu quả, ở mức công suất 110W và 275W quạt hầu như không thay đổi tốc độ, nó chỉ gia tăng dần khi vượt qua mức công suất này trở lên và không quá 1600 RPM khi ở 550W. Do đó độ ồn của quạt được khống chế tốt nhờ việc chỉ khai thác giới hạn tốc độ quạt ở nhiệt độ thấp (34ºC) trong khi đó thực tế tốc độ danh định của quạt là 2800 RPM. Trong môi trường nóng hơn thực tế quạt hoạt động với tốc độ cao hơn với bằng chứng là kết quả đo nhiệt độ chênh lệch trong môi trường 45ºC là 8.1ºC thấp hơn tới 3.1ºC khi thử nghiệm với môi trường bên ngoài 34ºC. Thiết kế thông minh này của HuntKey sẽ giúp Jumper 550 làm mát hiệu quả và giúp PSU hoạt động ổn định hơn trong các môi trường làm việc khắc nghiệt nhất.

Chế độ bảo vệ



Rất tốt…các tính năng bảo vệ cơ bản đều có và hoạt động hiệu quả. Trở lại vấn đề của đường 12V4 với mức danh định 8A có đủ cho VGA không?! Xin được thưa rằng, tuy các đường 12V có mức danh định khác nhau nhưng với kết quả đo được trong tính năng bảo vệ quá dòng (OCP) cho thấy ngưỡng cắt trung bình của 4 đường này đều tương đương nhau là 28A, do đó cũng có thể nói giá trị dòng cung cấp thật cho các đường này cũng tương đương nhau. Tôi chỉ không hiểu tại sao Jumper 600B trên mác kỹ thuật của nó các giá trị của 4 rail 12V bằng nhau (16A) trong khi Jumper 550 có khả năng tương đương lại không ghi như vậy, HuntKey Jumper 550 sẽ chịu thiệt thòi khi người dùng so sánh để chọn mua.

Khám phá bên trong



Là PSU Modula cho dù có kích thước vỏ nguồn lớn nhưng kích thước board chính của Jumper 550 vẫn đúng chuẩn nguồn ATX, diện tích còn lại bên trong là dành cho board mạch kết nối modula phía sau. Lắp ráp sạch sẽ, cáp được bó gọn về một bên tạo sự thông thoáng cho các phiến tản nhiệt và linh kiện.



HuntKey Jumper 550 sử dụng board mạch của Jumper 600B nên nó hoàn toàn tương đồng với Jumper 600B về thiết kế và linh kiện cơ bản. Mạch in 2 lớp với các linh kiện SMT (linh kiện dán) được sử dụng nhiều ở phía dưới, bên trên mặt bây giờ chỉ còn lại các linh kiện công suất cần sự làm mát của quạt. Phía dưới board mạch cũng rất sạch sẽ vì nó được sản xuất trên dây chuyền đạt chứng nhận RoHS. Trên bo có 3 phiến tản nhiệt cho PFC/PWM, diode đầu nguồn vào và diode nắn DC ra, thiết kế của chúng tận dụng tối đa hiệu năng làm mát của quạt, bằng các lá nhôm hướng lên trên và các rãnh gió chạy dọc theo thân tản nhiệt hướng ra ngoài giúp luồng không khí đi đúng hướng.



Board đuôi chứa các socket kết nối cho hệ thống cáp modula cũng là một board mạch 2 lớp, tại đây ở các đường điện ra có thêm một tụ lọc nhiễu giúp tăng chất lượng nguồn điện, giảm nhiễu do kết nối kéo dài từ board mạch chính đi lên, giảm sụt áp cho các đầu cắm modular.



Mạch lọc nhiễu điện từ EMI được thiết kế rất tốt. Trên đường điện đi vào bo mạch có thêm một lõi ferrite được bọc áp đồng chống nhiễu. Mạch loc EMI trên bo có các cuộn dây được quấn chắc chắn bằng dây đồng có tiết diện lớn đủ sức gánh một dòng tải cao ở mức công suất lớn. Cầu chì bảo vệ là loại không dùng cho người dùng bình thường thay thế được, bạn hãy nhờ kỹ thuật hãng thay thế nếu cầu chì bị đứt nhằm bảo vệ an toàn cho chính bạn.



Nắn điện chính cung cấp mạch PFC được đầu tư tốt, sử dụng tới 2 diode cầu T10KB80 tăng khả năng chịu dòng tải cho cặp diode này lên tới 20A (10A mỗi diode) tương đương 4400W ở mức điện áp 220VAC, song song đó việc gắn thêm tản nhiệt cho cặp diode này sẽ giúp chúng hoạt động ổn định hơn. Cuộn dây PFC với dây đồng có tiết diện lớn quấn trên lõi ferrite hình xuyến, chân cuộn dây cố định chắc chắn thông qua một đế riêng. Tụ lọc chính dùng tụ của Nhật với thương hiệu lớn Nippon Chemi-Con, dung lượng tụ là 470uF/450VDC@85ºC, HuntKey khá hào phóng khi dùng tụ có mức chịu đựng điện áp lên tới 450V trong khi thông thường với các PSU có tính năng A.PFC thì tụ chỉ ở mức từ 400VDC đến 420VDC là tối đa.



Nguồn cấp trước +5VSB sử dụng IC PWM có tích hợp Mosfet công suất bên trong, IC này cơ bản không cần tản nhiệt mà tự tản nhiệt thông qua mạch in nhưng để “chắc cú” HuntKey kẹp thêm một lá tản nhiệt riêng cho IC này được xem là một biện pháp phòng hờ khi ở trong chế độ chờ kéo dài không được làm mát bằng quạt.



Các Mosfet công suất PFC/PWM được điều khiển bằng IC CM6800TX của Champion Microelectronic đây là một phiên bản nâng cấp từ dòng chip CM6800T với tính năng Turbo-Speed PFC giúp giảm kích thước tụ lọc mà vẫn đảm bảo chất lượng nguồn điện DC vào cho phần công suất PWM, tính năng Green PWM thiết kế theo tiêu chuẩn EPA/85+ đảm bảo hiệu suất cho PSU trên 85%. Nhờ có thông số kỹ thuật tốt hơn, hoạt động ở xung nhịp cao hơn, thông minh hơn trong việc đồng bộ xung nhịp điều khiển giữa tầng PFC và tầng PWM nên giúp PSU hoạt động mát hơn và có hiệu suất cao hơn.



Toàn bộ 2 cặp Mosfet của công suất PFC và PWM đều là loại STW26NM60N của ST Microelectronics. Mosfet này chịu một dòng tải DC liên tục lên tới 30A@25ºC hoặc 18.9A@100ºC hay 125A trong chế độ xung DC. Các cặp công suất này hoạt động ở chế độ Double-MOS Forward Circuit và công nghệ khuếch đại từ kép (Dual Magnetic Amplification) giúp giảm tổn thất từ trên biến áp, năng lượng cung cấp ra lớn hơn trên cùng kích thước biến áp, đảm bảo việc cung cấp năng lượng liên tục trong điều kiện khắc nghiệt trong môi trường làm việc không ổn định, điều này đồng nghĩa với việc giúp PSU tăng được hiệu suất và giảm nhiệt độ hoạt động, thân thiện với môi trường hơn.



Giám sát điện áp ở các đầu ra và thực hiện việc bảo vệ cho PSU là một module được thiết kế riêng gần các đường điện DC ra. Tâm hồn cho mạch này chính là IC Weltrend WT751002S, tuy nhiên chức năng chính của IC này chỉ là bảo vệ quá áp (OVP), thấp áp (UVP) và tạo tính hiệu P_OK, để làm được chức năng bảo vệ quá dòng OCP mạch kết hợp thêm các IC khuếch đại tuyến tính khác là 2 IC LM339 (4 cổng opamp) và một IC LM393 (2 cổng opamp). Tính hiệu quả của mạch đã được chứng minh qua thử nghiệm nhưng nó lại khá phức tạp trong việc thiết kế và làm tăng giá thành sản phẩm. Nếu thay thế mạch này bằng loại IC bảo vệ có đầy đủ tính năng hơn như SITI PS232 hoặc Weltrend WT7507 thì cấu trúc mạch này lại khá đơn giản và tin cậy hơn do sử dụng ít linh kiện bên ngoài hơn.



Chính xác là có bảo vệ quá dòng cho từng đường 12V, trên bo ở đầu ra từng đường 12V này đều có các sensor đo dòng điện.



Mạch lọc DC được thiết kế không thiếu các thành phần quan trọng nhằm đảm bảo cho chất lượng nguồn điện cung cấp cho thiết bị, cuộn dây lọc được trang bị riêng cho từng đường điện chính. Tụ lọc sử dụng tụ của các thương hiệu linh kiện tốt đó là Fcon (Taiwan) và TEAPO.

Đánh giá chung

Mỗi sản phẩm trong dòng Jumper là một gương mặt khác nhau mà HuntKey muốn đem đến cho người dùng không đơn giản chỉ là mức công suất. Jumper 550 được xem là một sản phẩm khá tách biệt, khác Jumper 450B và 600B bởi tính năng quản lý cáp thông minh với cáp rời cắm nối linh hoạt theo nhu cầu. Vẫn giữ vững chất lượng và phong cách đặt thù của HuntKey, Jumper 550 là một PSU có công suất thật có thể sử dụng liên tục một cách bình thường ở mức 550W trong môi trường hoạt động thực tế là 45ºC là nhờ vào khả năng Overload lên tới 600W hoặc thậm chí có thể hoạt động được ở mức 720W trong thời gian ngắn. Thiết kế hướng tới các cấu hình trong tương lai, nguồn 12V với 4 rail tách biệt giúp chống bảo vệ tối đa cho các thiết bị sử dụng riêng lẽ, có khả năng đáp ứng một công suất lên tới 39A cho riêng đường +12V.

Hiệu suất PSU vượt mức mong đợi, tuy chỉ đóng mác 80Plus Standard nhưng số đo cho thấy nó tương đương với chuẩn 80Plus Sliver với mức hiệu suất 85%, 88%, 85% đây là một lợi thế mà HuntKey chưa khai thác tốt để làm PR cho Jumper 550. Hệ số công suất PF cao trên 0.93. Mạch ổn áp hoạt động chính xác cho các giá trị điện áp có sai số thấp và giao động không đáng kể ở tất cả các mức công suất.

Tổng thể thiết kế Jumper 550 giống tới 99% so với Jumper 600B nên hiệu năng và chất lượng cũng tương đương PSU này. Công nghệ điều khiển mới cộng với các thành phần linh kiện có chất lượng tốt và chọn lọc giúp PSU hoạt động bền bỉ hơn trong môi trường hoạt động khắc nghiệt, rủi ro hư hỏng giảm đáng kể. Số lượng đầu cấp nguồn phong phú với khả năng hỗ trợ tốt hệ thống đồ họa kép SLI hoặc CrossFire tầm trung với VGA Card sử dụng 1 đầu PCI-E hoặc một VGA đơn hiệu năng cao thông qua 3 đầu nguồn PCI-E.

Tuy nhiên hiện nay Jumper 550 chưa được phân phối chính thức tại Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính hãng nhưng với mức giá dự kiến vào khoảng 2,4 triệu đồng (115 USD) sẽ làm người dùng phân vâng khi chọn mua khi so với Jumper 600B có mức giá tốt hơn. Để có thêm nhiều thông tin hơn về HuntKey Jumper 550 các bạn có thể truy cập vào website của hãng Nguồn Huntkey Jumper series - Trang 1

Ưu điểm:

- Công suất thật trong điều kiện hoạt động thực tế 45ºC là 550W. Có khả năng overload lên tới 600W.

- Hiệu suất >85%.

- PF > 0.93

- Các đường điện áp chính có sai số rất thấp và ít dao động.

- Tụ lọc chính của Nhật.

- Linh kiện lắp ráp PSU được tuyển chọn và có chất lượng.

- Lọc nhiễu EMI đầy đủ.

- Mạch bảo vệ OCP, OVP, SCP hoạt động hiệu quả.

- PSU chạy khá mát.

- Quạt 140 mm hoạt động êm ái với tính năng smart fan.

Khuyết điểm:

- Không có cáp nguồn đi kèm.

- Giá vẫn còn cao

Giá bán tham khảo:

- 2.400.000 đồng/dự kiến bảo hành 2 năm.

Giá trị đầu tư:

- 4.390 đồng/1 Watt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,211
  • Tháng hiện tại175,150
  • Tổng lượt truy cập30,424,236
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây