[Đánh giá chi tiết] máy tính bảng Amazon Kindle Fire

Thứ ba - 13/12/2011 21:45
Trong thị trường máy tính bảng hiện nay, ít có sản phẩm nào đáp ứng được cả hai tiêu chí vừa tốt vừa rẻ. Kindle Fire của Amazon, sản phẩm được bán ra từ giữa tháng 11 với giá 199 USD, là máy tính bảng đáp ứng đồng thời cả hai tiêu chí trên tốt nhất hiện nay.


Kindle Fire có cấu hình đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dùng máy tính bảng là lướt web và giải trí. Máy có màn hình IPS 7 inch, chạy trên nền tảng bộ vi xử lý hai lõi 1 GB, bộ nhớ RAM 512 MB và hệ điều hành Android được Amazon tùy biến rất đơn giản và dễ dùng.

Nhưng là sản phẩm giá rẻ, máy tính bảng này cũng thiếu khá nhiều tính năng thường có ở các sản phẩm cao cấp. Máy không hỗ trợ 3G, không máy ảnh, không microphone, không GPS và có bộ nhớ trong nhỏ, chỉ 8 GB trong khi lại không có khe cắm thẻ nhớ microSD để mở rộng dung lượng.

Hơn nữa, các dịch vụ và ứng dụng của Amazon trên Kindle Fire hiện mới chỉ dành cho người dùng ở Mỹ, còn người dùng ở các quốc gia khác như Việt Nam chưa thể truy cập được. Kho ứng dụng Android Market cũng không truy cập được trên máy tính bảng này. Tuy nhiên, Kindle Fire có thể root khá đơn giản để dùng như một máy tính bảng Android bình thường, nghĩa là có thể dễ dàng tải và cài các ứng dụng trên Android Market.

Máy tính bảng này đã được nhiều công ty nhập về bán ở Việt Nam với giá dao động từ hơn 5,4 đến 5,7 triệu đồng. 

Thiết kế phần cứng

Cảm nhận đầu tiên khi cầm Amazon Kindle Fire trên tay là sự chắc chắn và đầm tay. Thân máy dày và nặng hơn các máy tính bảng khác chút ít, 11,43 mm và 413 g so với 10 mm và 385 g của Samsung Galaxy Tab 7.0 Plus. Máy có kích thước 119,38 x 190,5 x 11,43 mm (rộng, dài và độ dày). Có thể nói, Kindle Fire không phải là máy tính bảng mỏng nhẹ nhưng nó mang đến cho người dùng sự cứng cáp.

Kindle Fire có màn hình IPS 7 inch độ phân giải 1024 x 600 (169 ppi) và được gia cố bởi tấm kính chống xước Gorilla. Hình thức thiết kế của máy khá giống với BlackBerry PlayBook, màu sắc bóng bẩy, các góc bo tròn và các cạnh chau chuốt nhẵn nhụi. Nói chung hình thức của máy xứng đáng hơn mức giá 200 USD. Tuy nhiên, màn hình của Kindle Fire rất bám vân tay, nên phải thường xuyên lau màn hình trong quá trình sử dụng.



Kindle Fire được thiết kế tối giản số lượng cổng và nút điều khiển

Tương tự như các sản phẩm của Apple, Kindle Fire được thiết kế với phong cách tối giản số lượng cổng kết nối và nút điều khiển. Máy chỉ có duy nhất một nút điều khiển cứng là nút nguồn để tắt mở máy và khóa mở màn hình. Các chức năng điều khiển của máy đều được điều khiển thông qua màn hình cảm ứng.

Hai loa ngoài của Kindle Fire được đặt ở trên đỉnh máy, còn nút nguồn được đưa xuống đáy máy cùng với chân cắm micro-USB và giắc cắm tai nghe 3.5 mm. Hai cạnh bên của máy được thiết kế nhẵn nhụi, không có cổng hay nút kết nối nào.



Hai loa ngoài được đặt trên đỉnh máy

Mặt sau được thiết kế đơn giản chỉ có logo và tên máy (Kindle) chứ không có máy ảnh như các máy tính bảng khác. Lưng máy được phủ lớp cao su có độ bám tay rất tốt, không có cảm giác trơn trượt khi cầm.
Để duy trì mức giá rẻ, các phụ kiện đi kèm cũng được tối giản. Bên trong hộp máy chỉ có một bộ sạc và một tờ giấy hướng dẫn sử dụng nhỏ, không có cáp nối MicroUSB, đĩa CD phần mềm hay sách hướng dẫn sử dụng đầy đủ như các máy tính bảng khác.

Phần mềm, giao diện và dịch vụ

Kindle Fire sử dụng hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread đã được Amazon tùy biến rất khác biệt. Màn hình khóa của máy mở từ phải qua trái thay vì cách mở truyền thống của Android là kéo từ trái sang phải. Amazon sử dụng nhiều hình nền khác khác nhau cho màn hình khóa, mỗi lần mở máy là một hình nền hình khác nhau. Thao tác mở màn hình khóa cũng rất nhạy.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là thay đổi nhỏ ban đầu. Thay đổi lớn nhất là ở giao diện màn hình chủ. Toàn bộ các menu và các nút điều khiển cảm ứng của máy được sắp xếp rất đơn giản và dễ hiểu. Kể cả những người mới dùng máy tính bảng cũng sẽ không gặp khó khăn với giao diện đơn giản của Kindle Fire nhưng nó cũng có một hạn chế là Amazon không cho phép người dùng tùy biến màn hình chủ như các máy tính bảng Android khác.

Phía trên màn hình là thanh thông báo (Notification) cung cấp thông tin tên người dùng, giờ, cột báo sóng Wi-Fi và vạch pin. Khi nhấn vào vùng thông báo sẽ thả xuống một menu cho phép bạn chỉnh âm lượng, độ sáng màn hình, tắt bật Wi-Fi, đồng bộ dữ liệu và truy cập vào phần Thiết lập (Settings) của máy.

Phía dưới thanh thông báo là một menu chứa toàn bộ các chức năng chính của máy gồm khu báo-tạp chí, sách, nhạc, phim, văn bản, ứng dụng và lướt web. Các màn hình chủ của Kindle Fire được chia ra thành từng tầng trông giống như một giá sách, mỗi biểu tượng của ứng dụng được xếp như những cuốn sách nằm trên giá.

Tuy nhiên, như đã đề cập phía trên, Kindle Fire không chỉ tùy biến giao diện của Android 2.3 mà còn thay đổi cả về chức năng. Mặc dù chạy hệ điều hành Android nhưng Kindle Fire không thể truy cập đến kho ứng dụng Android Market và thiếu vắng các dịch vụ quen thuộc khác của Google như Google Search, Google News, Google Maps hay YouTube. Thay vào đó, Amazon chỉ cho phép truy cập vào kho ứng dụng App Store cũng như một số ứng dụng được tích hợp sẵn vào máy. Khi truy cập vào kho ứng dụng Android Market, máy sẽ tự động chuyển đến kho App Store của Amazon.


Các biểu tượng ứng dụng trên Kindle Fire được sắp xếp kiểu giá sách

Nói cách khác, Kindle Fire là máy tính bảng bị khóa kín để sử dụng các dịch vụ của Amazon. Mặc dù các dịch vụ của Amazon cũng không thua kém gì Apple về độ phong phú, từ nhạc, kho sách báo, tạp chí đến game và các ứng dụng nhưng vấn đề là các dịch vụ và ứng dụng dành cho Kindle Fire hiện mới chỉ dành cho người Mỹ, chưa truy cập được ở các quốc gia khác. Như vậy có nghĩa là những người mua Kindle Fire bên ngoài nước Mỹ, ví dụ mua về dùng ở Việt Nam, sẽ không thể truy cập được vào kho ứng dụng App Store cũng như các dịch vụ khác của Amazon dành cho máy tính bảng này.

Tuy nhiên, Amazon chưa đoạn tuyệt hoàn toàn tự do của người dùng. Kindle Fire vẫn có thể cài một số ứng dụng Android cơ bản ngay cả khi bạn chưa root máy.

Dưới đây là các bước để cài ứng dụng bên ngoài lên Kindle Fire:

- Kết nối mạng Wi-Fi cho máy tính bảng
- Bấm vào thanh Notification rồi chọn "More" để truy cập vào mục Settings
- Chọn mục Device
- Tại dòng "Allow Installation of Applications f-rom unknown sources", chọn "ON" để được phép cài ứng dụng của các bên thứ ba.
- Quay ra màn hình chủ bằng cách bấm vào biểu tượng hình ngôi nhà góc trái phía dưới màn hình.
- Bấm vào mục "Web" trên thanh menu phía dưới thanh trạng thái để chạy trình duyệt web và tìm kiếm phần mềm quản lý file, ví dụ Astro File Manager để cài vào máy.
- Sau khi tải về và cài đặt thành công Astro File Manager, bạn sẽ thấy biểu tượng của ứng dụng quản lý file này trong phần "Apps" (ngay bên cạnh mục "Web").
- Kết nối Kindle Fire với máy tính qua cáp USB, chép bộ cài các ứng dụng Android yêu thích của bạn (có phần mở rộng là *.apk) vào bộ nhớ trong rồi dùng phần mềm Astro File Manager truy cập đến file bộ cài và cài đặt như bình thường. Chúng tôi đã cài đặt thành công một số ứng dụng quen thuộc như game Angry Birds, Lạc Việt từ điển, phần mềm nghe nhạc PowerAMP vào Kindle Fire bằng các bước trên.

Màn hình

Màn hình là một trong những thành phần tuyệt vời nhất của chiếc máy tính bảng giá rẻ này. Kindle Fire được trang bị một màn hình cảm ứng IPS 7 inch do LG sản xuất có độ phân giải 1024 x 600 pixel (169 ppi ) và được trang bị lớp kính bảo vệ Gorilla.

Màn hình IPS của Kindle Fire có cảm ứng nhạy, màu sắc tươi sáng, chữ hiển thị rõ nét và dễ nhìn cả khi xem ngoài trời. Về khía cạnh này, Kindle Fire sánh ngang với cả những máy tính bảng cao cấp có mức giá cao gấp đôi.

Các tính năng bị khiếm khuyết

Với máy tính bảng này, bạn có thể đọc sách điện tử, tải ứng dụng và game, nghe nhạc (hỗ trợ định dạng MP3) và xem phim. Mỗi tính năng trên đều có một dịch vụ tương ứng của Amazon như nhạc từ MP3 store, sách điện tử từ phần mềm Kindle hay game và ứng dụng từ App Store. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các dịch vụ này hiện mới chỉ dành cho người tiêu dùng Mỹ, chưa mở rộng sang các thị trường khác.

Nhiều tính năng cơ bản khác cũng có trên Kindle Fire. Bạn có thể lướt web, gửi nhận email, đọc các định dạng file phổ thông (gồm PDF, Word, Excel, PowerPoint và số một định dạng khác) và xem ảnh. Cổng kết nối micro-USB phía dưới đáy máy cho phép bạn dễ dàng kết nối với bất kỳ máy tính nào để truyền dữ liệu bạn muốn vào Kindle Fire.

Kindle Fire thiếu khá nhiều tính năng thường thấy ở các máy tính bảng khác. Nó không có GPS, không máy ảnh, không hỗ trợ 3G, không có microphone, không hỗ trợ bàn phím và không có khe cắm thẻ nhớ micro-SD để mở rộng bộ nhớ khi cần. Tuy nhiên, các khiếm khuyết trên có thể chấp nhận được với máy tính bảng giá 200 USD. Nhưng sẽ hay hơn nếu nó có 3G bởi lướt web là một trong những tính năng chính yếu nhất của máy tính bảng.

Hiệu năng hoạt động

Kindle Fire sở hữu cấu hình tương đối cao với vi xử lý lõi kép 1GHz và bộ nhớ RAM 512 MB nên việc duyệt web, chơi game và chạy đa nhiệm khá tốt.

Tốc độ lướt web bằng trình duyệt Silk cài sẵn trong máy khá nhanh, chúng tôi chỉ mất khoảng 5-7 giây để mở trang vnReview.vn và các trang trong nước khác như Vnexpress.net. Tốc độ lướt web trên trình duyệt Silk nói chung không có gì đáng phàn nàn nhưng cũng không đến mức "siêu nhanh" và "mượt như nhung" như Amazon quảng cáo.

Khi đo bằng phần mềm đánh giá tốc độ lướt web di động Vellamo, máy đạt khoảng 800 điểm, con số rất cao so với một máy tính bảng giá rẻ. Điểm số này còn cao hơn cả máy tính bảng HTC Flyer và chỉ thấp hơn chút ít so với Motorola Xoom và Asus Transformer.

Khả năng chơi game cũng khá ổn. Angry Birds (phải cài thêm, không có sẵn trong máy) chạy rất mượt mà, không cảm nhận thấy độ trễ khi chơi cũng như với thao tác phóng to hay nhu nhỏ màn hình, hình ảnh hiển thị sáng và rõ nét.

Ngoài việc chơi game và lướt web, Kindle Fire còn khá ấn tượng ở khả năng nghe nhạc nhờ cặp loa khá lớn trên đỉnh máy. Chất lượng âm thanh loa ngoài của máy trong, không bị rè kể cả khi điều chỉnh âm lượng lên mức cao nhất. Âm thanh nghe từ tai nghe cũng rất ấm, bass sâu và khỏe. Nói chung, khả năng nghe nhạc của máy rất tốt, không có điểm nào đáng phàn nàn.

Kết luận

Kindle Fire là sản phẩm bước ngoặt trong thị trường máy tính bảng. Trong khi các nhà sản xuất đang tìm cách đối đầu với iPad của Apple bằng các sản phẩm siêu mỏng và cấu hình cao, Amazon lại mở ra hướng đi mới là tung ra sản phẩm giá rẻ đủ đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của người dùng. Nhưng mức giá rẻ của máy tính bảng này không phải là do chi phí phần cứng thấp mà là vì được Amazon bù giá để hy vọng bù đắp từ các dịch vụ nội dung bán kèm. Theo tính toán của hãng phân tích thị trường iSupply, Amazon lỗ trung bình 10 USD với mỗi máy tính bảng Kindle Fire bán ra. Vì vậy, nếu bạn có nhu cầu mua một máy tính bảng với tầm tiền trên dưới 5 triệu đồng, Kindle Fire là một lựa chọn rất tốt ở thời điểm này, nhất là khi việc Root máy để dùng nó như một máy tính bảng Android bình thường đang rất dễ dàng.

Ưu điểm:
+ Giá rẻ
+ Thiết kế chắc chắn, đẹp và cầm vừa tay
+ Tốc độ xử lý khá nhanh
+ Màn hình IPS hiển thị sắc nét, có kính chống xước Gorilla
+ Tích hợp thông suốt với các ứng dụng và dịch vụ của Amazon
+ Kế thừa khả năng đọc sách điện tử tuyệt vời của Amazon Kindle.

Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ tải ứng dụng từ kho Amazon App Store dành cho người dùng Mỹ (người dùng tại Việt Nam hiện chưa tải được ứng dụng từ kho phần mềm này)
- Không hỗ trợ tải ứng dụng từ Google Android Market
- Không có 3G, máy ảnh, microphone, GPS và Bluetooth
- Bộ nhớ trong 8 GB hơi nhỏ, không hỗ trợ lắp thẻ nhớ gắn ngoài

Giá bán: 5,4-5,7 triệu đồng
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,737
  • Tháng hiện tại81,592
  • Tổng lượt truy cập31,275,586
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây