CorelDRAW (Bài 32)

Thứ tư - 19/10/2011 23:09

CorelDRAW (Bài 32)

Bạn đã làm quen với đường cong (curve) trong CorelDRAW. Có một điều thú vị là ta có thể chuyển đổi nhiều loại đối tượng không phải đường cong thành đường cong và từ đấy bạn tha hồ chỉnh dạng đối tượng thông qua các nút (node) và cần khiển (control). Ta hãy tìm hiểu việc chuyển đổi (chủ động hoặc tự động) một số loại đối tượng thành đường cong.
Chức năng Convert To Curves

Muốn chủ động chuyển đổi đối tượng nào đó đã chọn (không phải đường cong) thành đường cong, bạn chỉ việc chọn Arrange > Convert To Curves hoặc nếu thích dùng bàn phím, bạn ấn Ctrl+Q. Để thấy được ích lợi của việc chuyển đổi đối tượng thành đường cong, trước hết ta hãy xem xét việc chỉnh dạng hình khung.

Mở bản vẽ mới

 

Vẽ hình khung như hình 1A

 

Chọn công cụ chỉnh dạng 

 

Kéo một nút hình khung

Góc vuông của hình khung được uốn tròn (hình 1B)


Hình 1

“Để uốn tròn góc hình khung, đâu cần dùng công cụ chỉnh dạng nhỉ?”. Vâng, bạn hoàn toàn đúng. Hiện nay nhiều công cụ tạo hình trong CorelDRAW kiêm luôn chức năng chỉnh dạng. Nếu đặt câu hỏi như trên, bạn tỏ ra không vướng bận bởi tập quán dùng CorelDRAW của giới “cựu binh”, vốn có phản xạ “nắm lấy” công cụ chỉnh dạng Shape Tool mỗi khi cần sửa đổi dáng điệu của đối tượng. Bạn từng biết cách chỉnh dạng hình khung, e-líp, đường cong mà không cần đến công cụ chỉnh dạng. Tuy nhiên, với công cụ chỉnh dạng “chuyên dùng”, bạn có thể “bay nhảy” từ đối tượng này qua đối tượng khác để sửa đổi, bất kể đối tượng ấy thuộc loại gì. Và tình thế sẽ đổi khác rất nhiều sau khi bạn chuyển đổi đối tượng đang xét thành đường cong...

Chọn Arrange > Convert To Curves hoặc ấn Ctrl+Q hoặc bấm Convert To Curves  trên thanh công cụ Property Bar

Chuyển đổi hình khung đang xét thành đường cong. Hình khung dường như không có gì thay đổi nhưng giờ đây nó thực chất là một đường cong Bézier

Căng khung chọn bao quanh hình khung và bấmConvert Line To Curve  trên thanh công cụProperty Bar

Chuyển đổi mọi nút thẳng của hình khung thành nút cong (nói cụ thể hơn là nút trơn)

Bấm vào đâu đó để thôi chọn mọi nút và bấm chọn một nút nào đó

Bạn thấy xuất hiện cần khiển của nút được chọn (bạn có thấy... ngứa tay không nào?)

Nhào nặn hình khung để có... chiếc hài như hình 2 (hoặc thành cái chi đó tùy theo sự tưởng tượng của bạn)

 


Hình 2

Dạng thức đường cong Bézier là phương tiện mô tả đường nét chi tiết nhất trong CorelDRAW. Rõ ràng, với khả năng thêm vào hoặc xóa bớt các nút của đường cong, bạn có thể biến đổi tùy thích dáng điệu của hình khung, gần như không có một hạn chế nào.

Với đối tượng e-líp, mọi chuyện cũng tương tự...

Vẽ e-líp “ôm ốm” như hình 3A

Bạn thấy e-líp chỉ có một nút duy nhất. Dáng điệu e-líp được CorelDRAW tính toán để bảo đảm e-líp luôn có dạng e-líp (dĩ nhiên)

Ấn Ctrl+Q

Chuyển đổi e-líp thành đường cong. Xuất hiện 4 nút trên e-líp (hình 3B)

Hình e-líp của bạn lúc này đã “tha hóa”, không còn mang bản chất e-líp nữa. Nếu bạn không tin thì...

Chọn công cụ chỉnh dạng

 

Căng khung chọn bao quanh cả bốn nút và bấm vàoMake Node A Cusp  trên thanh công cụProperty Bar

Chuyển đổi mọi nút trơn thành nút nhọn

Thử nhào nặn e-líp thành... cá heo như hình 3C

 

Thêm nút nhọn vào đường cong (bấm vào Add Node(s)  rồi bấm vào Make Node A Cusp trên thanh công cụ Property Bar) để tạo ra vây cá như hình 3D

 


Hình 3

Còn một chuyện “khó tin có thực” nữa: ta có thể chuyển đổi tiêu ngữ (artistic text), tức đối tượng tạo ra khi dùng công cụ ghi chữ Text Tool, thành đường cong.

Dọn sạch miền vẽ

 

Chọn công cụ ghi chữ Text Tool 

 

Bấm vào đâu đó trên miền vẽ và gõ A (hình 4A)

 

Chuyển qua công cụ chọn và chọn phông chữ Arial Black cho chữ A

 

Ấn Ctrl+Q

Chữ A trở thành đường cong

Chọn công cụ chỉnh dạng và thử “xoa bóp” chữ A thành... con ma như hình 4B

 


Hình 4

Một khi tiêu ngữ (trong trường hợp đang xét, đó là chữ A) trở thành đường cong, ta không còn có thể nói đến chuyện thay đổi phông chữ hoặc cỡ chữ bởi các chức năng vốn dành cho tiêu ngữ. Tuy nhiên, bạn lại có khả năng tạo nên dáng chữ phóng túng, hổng giống ai, như ta vừa làm.

 
Miền trong và miền ngoài

Khác với trường hợp hình khung và e-líp đã xét, đường cong có dạng chữ A của ta gồm hai đường con (subpath) tách biệt. Tuy nói là “tách biệt”, hai đường con này cùng nhau xác định rõ ràng miền trong và miền ngoài của “đường cong chữ A”. Bạn biết đó, miền trong của đường cong là miền được tô màu (hình 5A). Nói khác đi, màu tô của đối tượng đường cong chỉ xuất hiện ở miền trong.

Ghi chú

• Đường cong gồm những bộ phận rời nhau được gọi là đường cong không liên thông (unconnected curve, multipath curve). Ngược lại là đường cong liên thông (connected curve). Các đường cong kín không liên thông thường tạo nên miền có “lỗ thủng”. Miền như vậy gọi là miền không liên thông (unconnected area), điển hình là “miền chữ A” mà bạn đang có.

Mỗi khi bạn thay đổi hình dáng đường cong, CorelDRAW sẽ xác định lại miền trong và miền ngoài của đường cong để tô màu cho thích hợp.

Kéo rìa trái của đường con khép kín nằm trong qua bên trái, ra ngoài “chữ A” (hình 5B)

Bạn thấy quả thực có sự xác định lại miền trong và miền ngoài của đường cong (hình 5C)

Kéo rìa phải của đường con khép kín nằm trong qua bên phải, ra ngoài “chữ A” (hình 5C)

Bạn thấy được... “con ma dễ thương” (hình 5D)


Hình 5

Xin nhấn mạnh rằng hai đường khép kín tạo nên “đường cong chữ A” của ta là hai bộ phận của một đối tượng đường cong duy nhất chứ không phải hai đối tượng riêng rẽ. Nếu hai đường khép kín đang xét là hai đối tượng, chúng sẽ nhận màu tô một cách độc lập vì miền trong và miền ngoài của chúng không có liên quan gì với nhau. Có một cách để bạn xác tín điều này...

Bấm vào nút nào đó của đường khép kín nằm trong và chọn Extract Subpath  trên thanh công cụProperty Bar (hình 6A)

Chiết xuất đường con thành đối tượng đường cong riêng biệt. Lập tức, bạn thấy đường con đã chọn được tô màu độc lập với đường con kia (hình 6B)

Hai đường khép kín của bạn đã là hai đối tượng khác nhau. Để xem cho rõ, bạn thử di chuyển và thay đổi màu tô của chúng.

Bấm vào công cụ chọn

“Ma mới” đang ở trong trạng thái “được chọn” (hình 6C)

Kéo “ma mới” qua một bên

 

Bấm vào ô màu nào đó của bảng màu

Chỉ riêng “ma mới” đổi màu. Rõ ràng màu tô của “ma mới” không có liên quan gì với “ma cũ” (hình 6D)

Ấn Ctrl+Z hai lần

“Ma mới” trở lại màu cũ, trở lại chỗ cũ


Hình 6

Việc tách rời đường con của “đường cong chữ A” ban đầu thành đối tượng riêng rẽ nhờ chức năng Extraxt Subpath chắc sẽ khiến bạn “suy ra” sự tồn tại của một chức năng nào đó trong CorelDRAW có tác dụng ngược lại: sáp nhập hai đối tượng đường cong riêng rẽ thành một đối tượng đường cong duy nhất. Vâng, quả đúng như vậy.

Lúc này, bạn có thể ấn Ctrl+Z lần nữa để húy bỏ tác dụng của chức năng Extract Subpath. Tuy nhiên, ta có thể đạt được kết quả đó theo cách khác...

Căng khung chọn bao quanh cả “ma mới” lẫn “ma cũ”

 

Chọn Arrange > Combine (hoặc ấn Ctrl+L)

“Khắc nhập! Khắc nhập!”


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2,978
  • Tháng hiện tại57,858
  • Tổng lượt truy cập31,435,742
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây